THÔNG BÁO TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC

THÔNG BÁO TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC

Theo tinh thần của thông báo số 102/TB-ĐHVH HCM ngày 11/7/2008, Trường ĐH VH TP HCM và Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội sẽ liên kết tuyển sinh và đào tạo sau đại học ngành Du lịch học. Nay blog của Khoa Văn hoá Du lịch xin trích lược một số nội dung cơ bản của thông báo tuyển sinh này:

1. Điều kiện dự thi

1.1. Người có bằng tốt nghiệp đại học ngành Du lịch học được đăng ký thi trực tiếp

1.2. Người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành kinh tế du lịch, địa lý du lịch, văn hóa du lịch được đăng ký dự thi sau khi có chứng chỉ bổ túc kiến thức của chuyên ngành du lịch học.

1.3. Người có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành khác song đã có ít nhất 03 năm làm việc liên tục trong lĩnh vực du lịch được đăng ký dự thi sau khi có chứng chỉ bổ túc kiến thức của chuyên ngành du lịch học.

2. Điều kiện thâm niên công tác

2.1. Người có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp đại học ngành đúng hoặc phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự thi

2.2. Những trường hợp còn lại phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm (tính từ ngày ký QĐ công nhận tốt nghiệp đại học) làm việc trong lĩnh vực du lịch

3. Thời gian đào tạo

3.1. Thời gian đào tạo chuẩn: 02 năm

3.2. Thời gian đào tạo tối đa: 05 năm

4. Chính sách ưu tiên

4.1. Thí sinh thuộc các đối tượng: thương binh, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, người thuộc dân tộc thiểu số, người đang công tác liên tục 02 năm trở lên tại khu vực vùng cao, vùng sâu sẽ được cộng điểm ưu tiên. Cụ thể là cộng 10 điểm cho bài thi môn ngoại ngữ (thang điểm 100) và 01 điểm cho bài thi môn cơ bản (thang điểm 10).

4.2. Các đối tượng ưu tiên phải có đủ giấy tờ chứng minh và phải nộp đúng thời hạn theo quy định của ĐH Quốc gia Hà Nội. Thí sinh thuộc nhiều đối tượng ưu tiên cũng chỉ được hưởng 01 lần ưu tiên.  

5. Chính sách hỗ trợ kinh phí

Cán bộ, công chức, viên chức thuộc chỉ tiêu được hỗ trợ đào tạo từ kinh phí của Nhà nước theo quy định tại Pháp lệnh Công chức và có quyết định của cơ quan cử đi học sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo từ ngân sách.

6. Môn thi tuyển

6.1. Cơ bản cơ sở của chuyên ngành du lịch

6.2. Ngoại ngữ: 1 trong 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức trình độ B

7. Đăng ký dự thi, ôn thi và bổ túc kiến thức

7.1. Thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký học bổ túc kiến thức và ôn thi xin liên hệ trực tiếp với Ms Nguyễn Thị Hồng Thắm Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường ĐH VH TPHCM. ĐT: 08.5120564; 0902331789.

7.2. Thời gian bán và nhận hồ sơ: 15/7/2008 đến 30/7/2008

7.3. Thời gian ôn thi: 01/8/2008 đến 20/8/2008

7.4. Thời gian thi: 29,30,31/8/2008

Lưu ý: Các thí sinh thuộc đối tượng phải học bổ túc kiến thức cần liên hệ để làm thủ tục đăng ký học trực tiếp tại Ms Nguyễn Thị Hồng Thắm Phòng Quản lý Khoa học và Hợp tác Quốc tế, Trường ĐH VH TPHCM. ĐT: 08.5120564; 0902331789.

8. Lệ phí thi

– Lệ phí đăng ký dự thi:  50.000 đ

– Lệ phí thi:                    300.000 đ

(Các thí sinh được miễn thi ngoại ngữ theo quy định của Quy chế tuyển sinh sau đại học sẽ được trừ 50.000 đ)

QUY CÁCH TRÌNH BÀY BÁO CÁO KHOA HỌC

QUY CÁCH TRÌNH BÀY BÁO CÁO KHOA HỌC

 

Báo cáo khoa học là kết quả cuối cùng của cả quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Báo cáo khoa học là cơ sở quan trọng để các hội đồng chấm điểm hoặc nghiệm thu đề tài. Báo cáo khoa học phải tuân thủ những qui định chung nhằm tạo sự thống nhất đối với tất cả sinh viên:

 

1. Định dạng báo cáo

Báo cáo được đánh máy một mặt trên giấy khổ A4, bộ chữ unicode, phông chữ Time New Roman, cỡ chữ 14, dãn dòng 1,5 lines; lề trái 3,5 cm, lề phải 2 cm, lề trên 2,5 cm, lề dưới 2 cm.

2. Trình bày bìa

Bìa báo cáo gồm bìa chính và bìa lót và được trình bày theo mẫu qui định (Khoa VHDL sẽ gửi mẫu bìa cho sv)

3. Cách đánh số trang

Một báo cáo khoa học thường gồm các phần: mục lục, danh mục bảng biểu, mở đầu, nội dung chính, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục.

Báo cáo được đánh số trang (1,2,3,4,…) từ trang danh mục bảng biểu, mở đầu, nội dung, kết luận đến hết phần tài liệu tham khảo.

Phần mục lục không đánh số trang.

Phần phụ lục được đánh số trang theo ký hiệu riêng (thường dùng số La Mã) và có một trang danh mục phụ lục đặt ở vị trí ngay sau tài liệu tham khảo và trước khi phần phụ lục bắt đầu.

4. Cách ghi đề mục của phần mở đầu

Đề mục của phần mở đầu được đánh số thứ tự theo các nội dung trình bày. Ví dụ:

1. Lý do chọn đề tài

2. Mục đích nghiên cứu của đề tài

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4. Lược sử vấn đề nghiên cứu

5. Bố cục của đề tài

—————————–

5. Cách ghi đề mục phần nội dung chính

Nội dung báo cáo sẽ được chia thành các chương tùy thuộc cách giải quyết vấn đề của đề tài. Cách ghi đề mục của các chương trong phần nội dung như sau:

CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ………………… (FONT TIMES NEW ROMAN, SIZE 14, CHỮ  IN HOA, ĐẬM)

1.1. Khái niệm chung………………………………… (times new roman, size 14, chữ thường, đậm)

1.1.1.  Khái niệm văn hóa………………………….. (times new roman, size 14, chữ nghiêng đậm)

1.1.1.1. Một số định nghĩa ……………. (times new roman, size 14, chữ nghiêng thường)

1.1.2.

1.1.2.1.

1.2. Sản phẩm thủ công….

1.2.1.

Sinh viên nên đặt trước chế độ heading 1, heading 2, heading 3….. để tạo sự thống nhất về đề mục cho toàn bộ báo cáo và thuận lợi khi làm mục lục.

 

6. Cách ghi đề mục cho bảng biểu, hình vẽ

Để làm rõ các vấn đề nghiên cứu, sinh viên có thể đưa vào báo cáo một số hình vẽ, bảng biểu, biểu đồ. Khi đưa bảng biểu, hình vẽ vào báo cáo, sinh viên phải chú thích rõ nguồn gốc của chúng. Có thể sử dụng footnote để hoặc chú thích ngay góc dưới bên phải của bảng biểu.

Đồng thời sinh viên phải đánh số đề mục cho bảng biểu, hình vẽ theo số chương và số thứ tự của bảng biểu, hình vẽ trong chương đó. Tên và đề mục bảng biểu được để phía trên, chính giữa của bảng biểu, hình vẽ.

Ví dụ: Bảng biểu thứ nhất của chương ba thì sẽ được đánh đề mục là:

Bảng 3.1: Tên bảng

 

 

 

 

 

 

 

                                                Nguồn: Viện Nghiên cứu và phát triển…

 

Sau đó, ở trang danh mục bảng biểu, hình vẽ được đặt ngay sau trang mục lục của báo cáo sẽ liệt kê toàn bộ các bảng biểu, hình vẽ và vị trí của bảng biểu, hình vẽ trong báo cáo (trang đặt bảng biểu, hình vẽ).

7. Cách trình bày tài liệu tham khảo

Đây là phần rất quan trọng trong báo cáo khoa học. Tại liệu tham khảo đa dạng, phong phú, được trình bày đúng quy cách, rõ nguồn gốc sẽ chứng tỏ sự nghiêm túc của công trình nghiên cứu. Vì vậy, sinh viên cần lưu ý nhiều tới vấn đề này. Sinh viên Khoa Văn hóa Dịch sẽ liệt kê tài liệu tham khảo như sau:

7.1. Cách phân chia dạng tài liệu tham khảo

Có nhiều cách phân loại tài liệu tham khảo như phân loại theo ngôn ngữ, phân theo loại tài liệu là sách – tạp chí – tài liệu điện tử…. Đối với công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Văn hoá Du lịch, tài liệu sẽ được phân chia theo ngôn ngữ và được sắp xếp theo thứ tự: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung.

7.2. Cách ghi tài liệu tham khảo

– Cách ghi tài liệu sách: Tên tác giả (năm xuất bản), Tên tài liệu, nhà xuất bản, nơi xuất bản. Nếu sách có nhiều tác giả thì sẽ ghi tên tác giả chủ biên. nếu không có người chủ biên thì ghi tên tác giả đầu tiên và chữ nnk (nhiều người khác)

Ví dụ: Nguyễn Đình Hòe (2006), Môi trường và phát triển bền vững, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

Trần Thuý Anh chủ biên (2005), Ứng xử văn hoá trong du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

– Cách ghi tài liệu dịch: Tên tác giả (năm xuất bản), Tên tài liệu (tài liệu dịch), Nxb, nơi xuất bản,

Ví dụ: Robert Laquar, Lê Văn Mạnh dịch (2001), Kinh tế du lịch, Nxb Trẻ, TP. HCM

– Cách ghi tài liệu là bài báo: Tên tác giả (năm), Tên bài báo, Tên tạp chí, số, bài được đăng tại trang … (nếu từ trang 51 đến trang 53 thì ghi 51 – 53, còn nếu in tại trang 51 và 63 thì ghi tr 51, 63). Lưu ý rằng chỉ có những bài báo được đăng trên tạp chí hoặc tuần báo thì mới có giá trị là tài liệu tham khảo.

Ví dụ: Nguyễn Hà Lan (2008), Một số vấn đề về phát triển du lịch cộng đồng, Tạp chí Du lịch Việt Nam, số 3/2008, tr 51 – 53

– Cách ghi tài liệu là bài viết được đăng trên tạp chí điện tử: tên tác giả, tên bài báo, địa chỉ đăng bài báo đó.

Ví dụ: Trần Mạnh Thường (2005), Thiền – Công cụ trải nghiệm cuộc sống, Thông tin từ website của Tạp chí ORS (http://www.ors.com/nghien)

(tức là phải ghi rõ đường link vào phần mà sinh viên đã tham khảo)

7.3. Cách sắp xếp tài liệu tham khảo

Sau khi đã ghi đủ thông tin về tài liệu, sinh viên cần sắp xếp tài liệu theo thứ tự Alphabet tên tác giả. Hết phần tài liệu tiếng Việt thì đến phần tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp….

Ví dụ:

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Tiếng Việt

1. Trịnh  Lê Anh (2007), Du lịch trekking – loại hình và phương thức tổ chức (nghiên cứu trường hợp tại Sapa – Lào Cai), Luận văn thạc sỹ Du lịch học, ĐH KHXH & NV, Hà Nội.

2. Trần Thuý Anh chủ biên (2005), Ứng xử văn hoá trong du lịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

3. Trần Văn Thông (2005), Tổng quan Du lịch, Nxb Giáo dục, TP. HCM.

4. Nguyễn Minh Tuệ và nnk (2001), Địa lý du lịch, Nxb TP. HCM

Tiếng Anh

5. Baud-B«vy Manuel & Fred Lauson (1977), Tourism and recreation development, The architectural Press LTD- London.

6. Boniface B. and Cooper C. (1993), Geography of Travel and Tourism, Heinemann Lodon.

7. Buhalis.D (2000), Marketing the competitive destination of the future, Tourism management 21(1), p. 97 – 116.

Tiếng Pháp

9. ………………………….

7.4. Cách chú thích khi sử dụng nội dung của tài liệu tham khảo

Trong quá trình viết báo cáo, sinh viên sẽ trích hoặc sử dụng một số nội dung của tài liệu tham khảo nhằm làm rõ hơn ý tưởng của mình. Khi trích đăng như vậy, bắt buộc sinh viên phải có chú thích sử dụng. Cách chú thích như sau:

– Đối với những đoạn trích nguyên văn từ 10 câu trở lên. Sinh viên để cả đoạn, chữ nghiêng và lùi lề vào 1 cm so với những phần khác của báo cáo. Cuối đoạn này, sinh viên có thể ghi luôn tên của tài liệu đã trích đăng và số trang của phần trích đăng trong tài liệu.

– Đối với những câu trích nguyên văn, sinh viên để câu trích đó trong ngoặc kép, chữ in nghiêng và chú thích [số tài liệu; số trang]. Số tài liệu là số thứ tự tài liệu đã được sắp xếp hoàn chỉnh trong phần tài liệu tham khảo của báo cáo. Số trang là nơi mà câu trích đó được in.

Ví dụ:

Tài nguyên du lịch là một phân hệ trong hệ thống lãnh thổ du lịch. Đó chính là “những thành tạo tự nhiên, các công trình, sản phẩm do bàn tay trí tuệ của con người làm nên cùng các giá trị thẩm mĩ, lịch sử, văn hóa, tâm linh, giải trí, kinh tế… của chúng, có sức hấp dẫn với du khách hoặc được khai thác phục vụ phát triển du lịch” [46;59]

– Đối với những ý tưởng của tác giả khác nhưng được sinh viên sử dụng trong báo cáo của mình thì sinh viên cũng cần nói rõ hoặc chú thích cụ thể số tài liệu, số trang nơi tác giả của tài liệu tham khảo trình bày ý tưởng đó.

Ví dụ:

Khái niệm du lịch bền vững đã được tác giả Nguyễn Đình Hoè trong cuốn Du lịch Bền vững….. phân tích và chỉ rõ những nguyên tắc và nội hàm…….

Hoặc: Khái niệm du lịch bền vững đã được các nhà nghiên cứu phân tích và chỉ rõ những nguyên tắc và nội hàm…………… [23;145]

– Đối với những tham khảo thứ cấp sinh viên phải chú thích rõ bằng footnote nguồn trích đăng theo. Ví dụ:

Sơ đồ 1.2. Sơ đồ hệ thống du lịch của Leiper, 1990(1)

Sơ đồ này là của tác giả Leiper, nhưng do được trích đăng từ tài liệu của tác giả Nguyễn Thị Hải (không trực tiếp từ sách của Leiper) nên được gọi là tham khảo thứ cấp. Đối với kiểu trích này, sinh viên cần chú thích cụ thể về nguồn trích theo như mẫu ví dụ.

8. Một số lưu ý khác

– Trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu (đặc biệt là khi viết báo cáo), sinh viên phải thường xuyên sao lưu thông tin ra nhiều ổ đĩa khác nhau hoặc gửi trực tiếp lên địa chỉ email của mình để tránh trường hợp mất dữ liệu do sự cố máy tính.

– Trong khi thực hiện đề tài, sinh viên nên viết một số bài báo khoa học về đề tài mình đang nghiên cứu (có thể trích một phần hoặc tóm tắt lại toàn bộ nội dung báo cáo) để gửi đăng tập san Thông tin khoa học của Trường hoặc gửi đăng tạp chí chuyên ngành. Bài viết này sẽ có giúp sinh viên khẳng định tính nghiêm túc và hiệu quả của vấn đề mà sinh viên đang nghiên cứu. Nó cũng sẽ là một cơ sở để hội đồng đánh giá chất lượng của đề tài nghiên cứu và sự nỗ lực của sinh viên.

 

Trên đây là những hướng dẫn nhằm giúp sinh viên nắm rõ hơn qui trình và cách thức thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học. Hy vọng rằng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên Khoa Văn hoá Du lịch sẽ ngày một khởi sắc hơn.


(1) Trích theo Nguyễn Thị Hải (2002), Đánh giá tài nguyên du lịch tự nhiên, phục vụ phát triển du lịch cuối tuần của Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Khoa học Địa lý, ĐH Khoa học Tự nhiên, Hà Nội.

HƯỚNG DẪN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN SINH VIÊN

THỰC HIỆN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC 

Có thể nói đề tài nghiên cứu khoa học là một “công trình” vô cùng quan trọng, là đứa con tinh thần của thời sinh viên. Song làm như thế nào, viết như thế nào, bảo vệ như thế nào thì sinh viên còn có quá nhiều bỡ ngỡ và thắc mắc. Blog của Khoa Du lịch xin đăng tải một số hướng dẫn để các bạn sinh viên du lịch có thể phần nào tháo gỡ được những khó khăn khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học.

 

Tại sao nên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học?

 

Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học là một dịp rất tốt để sinh viên :

– Rèn luyện kĩ năng tổng hợp các kiến thức đã học trên mọi phương diện.

– Rèn luyện khả năng viết và trình bày vấn đề khoa học

– Rèn luyện tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm trong công việc.

– Độc lập, tự chủ tạo ra một công trình nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh

– Được cộng điểm rèn luyện cuối học kỳ trong suốt thời gian thực hiện đề tài

– Có kinh nghiệm để có thể thực hiện tốt khóa luận tốt nghiệp đại học

 

3 câu hỏi lớn khi làm đề tài nghiên cứu khoa học

Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên cần trả lời được 3 câu hỏi lớn như sau:

Làm gì?

Làm như thế nào?

Kết quả ra sao?

Trả lời tốt được 3 câu hỏi trên sẽ dẫn đến thành công và giúp sinh viên giải quyết được những lúng túng.

Làm gì?  Sinh viên xác định nhiệm vụ được giao hoặc tự mình xác định cần phải giải quyết

Làm như thế?  Phần này bao gồm những ý chính như sau:

– Tổng hợp, phân tích, đánh giá những công trình nghiên cứu (trong nước và quốc tế) có liên quan đến đề tài và đã được những người khác thực hiện.

– Ghi chép lại các tài liệu tham khảo, website, phần mềm … tham khảo để trích dẫn và để xếp vào phần phụ lục. Khi ghi chép tài liệu phải ghi đầy đủ thông tin (theo hướng dẫn cách ghi tài liệu tham khảo).

– Hệ thống cơ sở lý luận về vấn đề muốn nghiên cứu (cơ sở lý luận có thể đã có sẵn hoặc sinh viên phải tự tổng hợp)

– Khảo sát thực tế hoặc điều tra xã hội học để làm rõ thực trạng của vấn đề nghiên cứu

– Đề xuất ra phương án giải quyết của mình. Chứng minh, lí giải vì sao chọn phương án như thế.

– Trình bày báo cáo theo những đề xuất, những phương án mà sinh viên đưa ra.

Kết quả ra sao ? 

– Kết quả mình đã làm như các kết quả điều tra, kết quả khảo sát thực tế, kết quả tổng hợp tài liệu…

– Đánh giá kết quả, so sánh với ý muốn ban đầu, so sánh với kết quả của người khác…

– Đề ra phương hướng khắc phục những cái chưa giải quyết được …

Khi trả lời được 3 câu hỏi trên, các bạn sinh viên sẽ cảm thấy việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học sẽ dễ dàng hơn.

 

Đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học như thế nào?

Sau khi đã “thai nghén” đề tài và đã có quyết tâm thực hiện đề tài, sinh viên sẽ tiến hành làm thủ tục đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Thủ tục bao gồm các bước sau:

1. Làm bản đăng ký thực hiện đề tài (theo mẫu) – có thể xin tại VP Khoa Văn hoá Du lịch hoặc Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế, Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh.

2. Gặp người phụ trách nghiên cứu khoa học sinh viên Khoa Văn hoá Du lịch (hiện tại là cô Đào Minh Ngọc và thầy Nguyễn Thanh Hải) để trình bày và nhờ tư vấn, giới thiệu giáo viên hướng dẫn.

3. Nhận thư mời, địa chỉ, số điện thoại của giáo viên đã được giới thiệu; trực tiếp liên lạc với giáo viên hướng dẫn để trình bày về đề tài;

4. Nộp thư mời có xác nhận của giáo viên hướng dẫn + giấy đề nghị của Khoa Văn hoá Du lịch + Đề cương sơ bộ thực hiện đề tài (có chữ ký xác nhận của giáo viên hướng dẫn) cho Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế.

5. Ban Giám hiệu sẽ xem xét và quyết định cho phép sinh viên đã đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học theo đề xuất của Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế.

6. Khi đã có quyết định cho phép thực hiện đề tài, sinh viên sẽ được nhà trường hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện. Nếu cần, sinh viên có thể làm thủ tục xin tạm ứng phần kinh phí này tại Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế.

7. Trong suốt thời gian thực hiện đề tài, sinh viên phải có trách nhiệm gặp thầy giáo hướng dẫn để báo cáo tình hình thực hiện đề tài và xin ý kiến về các công việc tiếp theo.

7. Hết thời hạn thực hiện đề tài (theo đăng ký), sinh viên phải nộp về Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế Báo cáo kết quả nghiên cứu; đăng ký thời hạn bảo vệ đề tài trước hội đồng nghiệm thu;

8. Chuẩn bị báo cáo bảo vệ đề tài

9. Tiến hành trình bày báo cáo bảo vệ đề tài trước hội đồng nghiệm thu

10. Hoàn tất và quyết toán kinh phí thực hiện đề tài.

Các bước thông thường để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học?

1.   Xác định đề tài

– Đề tài có thể do sinh viên tự chọn trên cơ sở sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo hoặc lựa chọn trong danh sách các đề tài nghiên cứu khoa học do Khoa Văn hóa Du lịch định hướng (đã đăng trên blog);

– Nên chọn những đề tài nghiên cứu vừa sức với sinh viên và có tính ứng dụng cao;

– Định hướng nghiên cứu và đặt tên đề tài

2. Tìm tài liệu tham khảo

– Đây là khâu rất quan trọng bởi có tài liệu tham khảo tốt sẽ đảm bảo cho sự thành công của công trình nghiên cứu

– Khi tìm được tài liệu tham khảo nên ghi chép lại ngay thông tin về tài liệu để tránh bị thất lạc (ví dụ ghi địa chỉ trang web, ghi mã số tài liệu, sơ lược nội dung của tài liệu…)

3. Nghiên cứu sơ bộ tài liệu tham khảo

– Nghiên cứu và nắm sơ bộ nội dung của tài liệu tham khảo (nên ghi chép vào sổ tay để dễ dàng tìm đúng thông tin ngay khi cần)

– Viết đề cương sơ bộ cho đề tài và thông qua giáo viên hướng dẫn (giáo viên hướng dẫn sẽ giúp sinh viên sửa chữa những vấn đề thiếu logic của đề cương trước khi đi vào chi tiết). Đề cương sơ bộ sẽ giúp sinh viên khái quát được toàn bộ những công việc cần làm trong suốt quá trình thực hiện đề tài.

4. Tiến hành nghiên cứu, tổng hợp tài liệu

– Nghiên cứu và tổng hợp cơ sở lý luận của đề tài

– Nghiên cứu và tổng hợp những vấn đề có liên quan đến đề tài

5. Khảo sát thực tế, điều tra xã hội học

– Theo đề cương sơ bộ và nội dung đề tài đã được vạch ra

– Sinh viên nên lập đề cương trước khi tiến hành khảo sát thực tế và điều tra xã hội học đề có thể tìm được đủ tư liệu cho đề tài và tránh tốn kém (nên hỏi ý kiến của giáo viên hướng dẫn trước khi thực hiện khảo sát thực tế và điều tra xã hội học).

6. Báo cáo tình hình thực hiện đề tài và lập đề cương chi tiết

– Tổng hợp các kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực tế;

– Viết báo cáo tình hình thực hiện đề tài

– Lập đề cương chi tiết

– Trình giáo viên hướng dẫn để thông qua các kết quả thực hiện và thông qua đề cương chi tiết.

7. Viết báo cáo theo đề cương chi tiết

– Sau khi đã được giáo viên hướng dẫn thông qua đề cương chi tiết, sinh viên tiến hành viết báo cáo;

– Sinh viên nên viết và nộp từng chương cho giáo viên hướng dẫn để được bổ sung và sửa chữa;

– Các trình bày chương mục phải làm theo mẫu và phải thống nhất trong toàn bộ báo cáo

8. Hoàn chỉnh báo cáo

– Hoàn chỉnh và gửi báo cáo cho giáo viên hướng dẫn thông qua

– Nộp bản báo cáo hoàn chỉnh đã có ý kiến đồng ý của giáo viên hướng dẫn cho Phòng Quản lý khoa học và hợp tác quốc tế

9. Chuẩn bị bảo vệ đề tài

– Sinh viên chuẩn bị bảo vệ đề tài trước hội đồng nghiệm thu (sử dụng các phương tiện hiện đại như máy tính, projector để trình bày tóm tắt những nội dung của đề tài)

– Thời gian báo cáo bảo vệ đề tài trước hội đồng khoảng từ 15 – 20 phút (do vậy sinh viên cần chuẩn bị về nội dung để phù hợp với khoảng thời gian trên)

10. Bảo vệ đề tài trước hội đồng

– Sinh viên sẽ trình bày tóm tắt quá trình thực hiện, nội dung và những kết quả cơ bản của đề tài

– Sinh viên sẽ phải trả lời những câu hỏi mà hội đồng đặt ra để làm rõ những vấn đề đã nêu trong đề tài

– Hội đồng sẽ chấm điểm và nghiệm thu thông qua (hoặc không thông qua) đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên

Lịch thi lần 2 lớp CĐVHDL9 & TCVHDL2

LỊCH THI LẠI LẦN II CÁC LỚP CHÍNH QUY

Năm 2007 – 2008

 

 

CĐ VHDL 9:

Ngày 17/07/2008 (thứ 5)

– 9h00: Sân khấu truyền thống – phòng D4

– 13h00: Anh văn chuyên ngành , Giao tiếp du lịch, Lễ hội truyền thống  – phòng 104

Ngày 18/07/2008 (thứ 6)

– 9h00: Quy hoạch du lịch – phòng D4

– 13h00: Thiết kế tour – phòng D4

Ngày 21/07/2008 (thứ 2)

– 13h00: Marketing du lịch, pháp chế du lịch – phòng D4

Ngày 22/07/2008 (thứ ba)

– 13h00: kinh tế du lịch – phòng D4

Ngày 23/07/2008 (thứ 4)

– 13h00: Âm nhạc truyền thống – phòng D4

Ngày 24/07/2008 (thứ năm)

– 13h00: Tâm lý du khách, tôn giáo tín ngưỡng, Y tế du lịch – phòng D4

 

TCVHDL3

Ngày 18/07/2008 (thứ hai)

– 13h00: Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng – phòng D4

Ngày 21/07/2008 (thứ hai)

– 13h00: Marketing du lịch – phòng D4

Ngày 22/07/2008 (thứ ba)

– 13h00: Tiền tệ và thanh tóan quốc tế – phòng D4

Ngày 23/07/2008 (thứ 4)

– Văn hóa giao tiếp – phòng D4

Ngày 24/07/2008 (thứ năm)

– 13h00: Nghiệp vụ du lịch lữ hành – phòng D4

Ngày 25/07/2008 (thứ sáu)

– 13h00: Quản trị du lịch, Thủ tục XNC hải quan du lịch – Phòng 104

Ngày 28/07/2008 (thứ hai)

– 13h00: Các loại hình văn hóa nghệ thuật – phòng 104

 

Các bạn SV nên xem thông báo ở bảng thông báo của phòng Đào tạo!

Ghi chú:

SV học lại thi cùng lớp đăng ký học lại và nộp lệ phí thi trước ngày thi ít nhất 1 ngày tại phòng Đào tạo.

SV đi thi đúng giờ, mang bảng tên, thẻ sinh viên

Video clip vui!

THÔNG BÁO KẾ HOẠCH HỌC TẬP NĂM HỌC 2008 – 2009

THÔNG BÁO KẾ HOẠCH HỌC TẬP NĂM HỌC 2008 – 2009

 

1. Học kỳ 1: 25 tuần (từ ngày 18/8/2008 đến ngày 08/2/2008)

– Ngày 18/8/2008 tập trung sinh viên sinh hoạt chính trị đầu năm và tổ chức thi lại

– Từ 25/8/2008 đến ngày 31/12/2008: thời gian học tập học kỳ 1 năm học 2008 – 2009

– Thời gian thi học kỳ (03 đợt)

+ Đợt 1: từ 18 – 25/8/2008

+ Đợt 2: từ 10 – 18/11/2008

+ Đợt 3: từ 05 – 16/01/2008

2. Học kỳ 2: 21 tuần (từ ngày 09/2/2009 đến ngày 04/7/2009)

– Từ 09/2/2009 đến 12/6/2009: thời gian học tập học kỳ 2 năm học 2008 – 2009

– Thời gian thi học kỳ (02 đợt)

+ Đợt 1: từ 16 – 20/2/2008

+ Đợt 2: từ 15 – 24/6/2009

3. Học hè: từ ngày 13/7/2009 đến ngày 22/8/2009

– Học kỳ hè dành cho học sinh, sinh viên học lại, thi lại

4. Các hoạt động đặc biệt

– 20/11/2008: sinh viên tổ chức lễ tôn vinh các thầy cô giáo

– 01/01/2008: nghỉ tết dương lịch

– Từ 17/1/2009 đến 08/2/2009: nghỉ tết âm lịch

– 26/3/2008: sinh viên tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên

– 06/4/2009: nghỉ bù lễ Giỗ tổ Hùng Vương

– 30/4/2009, 01/5/2009: nghỉ lễ

– 05/7/2009 đến 23/8/2009: nghỉ hè năm học 2008 – 2009

Download “Lịch sử Sài Gòn”

Khám phá mảnh đất Sài thành để hiểu hơn về thành phố từng được mệnh danh là “Hòn Ngọc viễn Đông” – Blog’s Khoa Du Lich xin gửi đến các bạn E-book Lịch sử Sài Gòn (nhiều tác giả)

Download here